Tin Tức & Sự Kiện >> Tin thị trường 
ĐẤT QUANH DỰ ÁN SÂN BAY LONG THÀNH “NÓNG” TỪNG CƠN

Khu vực quanh dự án sân bay Long Thành vốn bình yên bỗng trở nên sốt xình xịch khi dự án này được thông qua. Nếu trước đó, giá mỗi m2 đất tại đây chỉ vài ba trăm nghìn thì hiện đã lên đến tiền triệu. Người dân vì thế đua nhau chạy theo bán đất. Giới đầu cơ cũng nhảy vào “thổi giá”, còn chính quyền địa phương gần như bất lực?

 

Giá lên sau mỗi đợt kiểm tra

 

Theo lãnh đạo UBND huyện Long Thành, tình trạng sang nhượng đất tại khu vực dự án sân bay Long Thành lại "nóng" lên sau mỗi đợt đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội về kiểm tra thực địa dự án. Đỉnh điểm là khi dự án được Quốc hội thông qua, đất tại khu vực này được đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Giá đất vùng lân cận sân bay vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt mặc cho chính quyền địa phương đã trấn an rằng đó chỉ là “sốt ảo”.

 

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Hưng cảnh báo, dù là “sốt ảo”, nhưng nếu không kiểm soát cũng sẽ tác động tiêu cực đến việc xác định giá đất bồi thường khi đền bù, di dời dân tại vùng lõi sân bay.

 


Giá đất tại khu vực quanh dự án sân bay Long Thành đang được đẩy lên cao

Về việc giá đất bị đẩy lên cao, ông Hưng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là trước thông tin dự án được thông qua, nhiều đối tượng đầu cơ mua đất nông nghiệp quanh khu vực thực hiện dự án rồi “vẽ” ra quy hoạch, sau đó phân lô bán nền trục lợi. Ông Hưng dự báo: “Việc này đã đẩy giá đất trên thị trường tăng cao tạo ra “sốt ảo”, đồng thời tạo nguy cơ sẽ phá vỡ quy hoạch vùng phụ cận của sân bay quốc tế Long Thành”.

 

Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Ngô Thế Ân cho rằng, công tác GPMB của dự án sau này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi giá đất vùng ven dự án bị đẩy lên quá cao dù vùng lõi của dự án được giữ quy hoạch tốt.

 

Tháng 8 vừa qua, để kiểm soát tình hình, do không còn cách nào nên UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo huyện Long Thành phải quản lý chặt khu vực 21.000ha đất ven sân bay. Công văn chỉ đạo nêu rõ: “Hạn chế cho tách thửa đất để tránh tình trạng phân lô bán nền gây xáo trộn tình hình đất đai tại huyện Long Thành và dự án sân bay Long Thành”.

 

Mặc dù vậy, việc mua bán đất tại vùng ven dự án còn âm ỉ dữ dội hơn. Theo các “cò” đất tại đây, trước khi tỉnh Đồng Nai chỉ đạo không tách thửa và phân lô bán nền, tình trạng mua bán đất của các đầu nậu đã diễn ra.

 


 

Đầu cơ chuyển nhượng đất tràn lan

 

Theo Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành, Ông Trương Văn Phương: “Sau khi có quy hoạch dự án sân bay Long Thành, cơ quan quản lý nhà nước đã không cho phép chuyển quyền sử dụng đất trong khu vực 5.000ha của dự án. Hiện nay, chúng tôi đang hạn chế tách thửa, cấp phép cho các dự án dân cư, quản lý chặt diện tích 21.000ha đất vùng phụ cận sân bay”.

 

Dù vậy, theo ông Phương, vị trí vùng phụ cận đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Ông Phương thừa nhận: “Từ khi có chủ trương xây dựng sân bay, ai cũng muốn có quyền lợi ở phạm vi này nên không loại trừ những người có nhu cầu đến địa phương chuyển nhượng, mua bán đất. Khi không cho chuyển nhượng thì người mua người bán họ thực hiện giao dịch bằng hình thức ủy quyền công chứng nên quản lý nhà nước không thể nắm được số liệu này”.

 

Thời gian qua, tình trạng chuyển nhượng đất tại huyện Long Thành tăng đột biến. Nhiều người từ Tp.HCM và các tỉnh lân cận đổ về đây để mua đất đầu cơ chuyển nhượng.

 

Nhưng ông Phương khẳng định, không có người nào sở hữu cả ngàn ha đất như phản ánh của dư luận. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa phát hiện cán bộ nào “gom đất”. Chúng tôi sẽ rà soát lại vấn đề này.

 

Ông Phương cũng cho biết, chính quyền huyện Long Thành khuyến cáo người dân nên cẩn thận để tránh bị các công ty môi giới lừa. Bởi thực tế có không ít người tự phân lô, lập bản vẽ bắt mắt với nhiều tiện ích để quảng cáo về một nơi ở lý tưởng.

 


Ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Long Thành

Sinh sống tại xã Suối Trầu, khu vực thuộc diện giải tỏa trắng để thực hiện dự án, bà Nguyễn Thị Hai cho biết, thực tế, đất huyện Long Thành vẫn nóng sốt bất chấp tỉnh Đồng Nai đã có biện pháp “đóng băng”. Bà nói: “Giờ bán đất thì vẫn bán được ngay, nhưng đất phải có giấy và phải bán hết diện tích. Chỉ cần kêu bán là có  “cò” dẫn người đến mua ngay”.

 

Một cán bộ ở xã Lộc An, thuộc vùng phụ cận 21.000ha cho hay, số lượng người muốn làm thủ tục chuyển nhượng đã giảm bớt từ khi chính quyền có chủ trương hạn chế tách thửa. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tự mua bán với nhau qua hình thức ủy quyền. Vị cán bộ này nói: “Người mua, kẻ bán vẫn nhộn nhịp và giá đất vẫn không hề giảm nhiệt”. Bình quân giá đất nông nghiệp tại đây là 10 tỷ đồng/ha, tăng 30- 40% so với năm 2016, vị này cho biết thêm.

 

Để người dân không mua nhầm đất của dự án “ảo” trong vùng quy hoạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức công khai vị trí quy hoạch tại khu vực quanh sân bay. Tuy nhiên, cán bộ từ huyện đến xã thuộc huyện Long Thành đều cho biết vẫn chưa rõ về chi tiết, vị trí quy hoạch mà chỉ biết chung về quy hoạch 21.000ha đất vùng phụ trợ sân bay.

 

(Theo Tiền phong Online) 

Five Star Group International
Thời tiết