Việt Nam đang tiến hành đô thị hoá trên một quy mô rất
rộng lớn, và với một tốc độ khá nhanh, đến 2010 đã có 755 đô thị. Trong
một hội thảo về phát triển đô thị bền vững gần đây, có ý kiến cho biết,
gần đây, bình quân mỗi tháng cả nước mọc lên một đô thị. Năm 2000, tỷ lệ
dân cư đô thị toàn quốc là 22,3% thì năm 2010 là 34%. Đây là giai đoạn
tốc độ đô thị hoá được đẩy lên nhanh nhất sau khi Hà Nội mở rộng tăng
diện tích từ 924km2 với 2,4 triệu dân lên 3.344km2 (tăng bốn lần) và
6,448 triệu dân (tăng gấp ba lần) trở thành thành phố đứng thứ 17 trên
thế giới.
Đồng thời trong giai đoạn mười năm này, chúng ta chứng
kiến sự mở rộng từng ngày của TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… và sự nâng cấp
hàng loạt điểm dân cư đô thị từ thị trấn lên thị xã, từ thị xã lên thành
phố, từ cấp bốn, ba, lên cấp hai, một. Một loạt thành phố mới xuất hiện
trên cơ sở nâng cấp trung tâm của khu vực đã có hay là hoàn toàn mới
trên cơ sở của công nghiệp và dịch vụ như Dung Quất, Hạ Long, Bến Tre,
Quảng Ngãi, Cam Ranh…
Đô
thị hoá không chỉ duy nhất là bành trướng tổ chức vật chất và con người
mà còn là “quá trình chuyển những giá trị ưu việt và ảnh hưởng tích cực
của đô thị tới những vùng nông thôn”. |
Cùng với quyết định tăng cấp quản lý là sự mở rộng diện
tích, dân số đô thị là sự xuất hiện của hàng trăm khu công nghiệp, khu
chế xuất, xây dựng mới hàng ngàn khu dân cư, rất nhiều các khu dịch vụ
và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc đất đai
nông nghiệp bị mất đi. Trung bình mỗi năm, theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh
viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nước ta mất khoảng
70.000ha đất nông nghiệp cho công nghiệp mà hầu hết đều thuộc loại “bờ
xôi, ruộng mật”. Nếu kể cả diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích
sang cho các sân golf, khu nghỉ mát, trang trại tư nhân, thì diện tích
còn lớn hơn thế rất nhiều. Nếu đô thị hoá theo chiều rộng, thiên về
quy mô và tổ chức vật chất sẽ đưa đến những hệ luỵ rất nguy hiểm không
chỉ cho hôm nay mà còn cho muôn đời con cháu mai sau. Những hệ luỵ đó
là: • Tác động xấu đến an ninh lương thực quốc gia khi mà diện tích đất nông nghiệp cứ giảm dần từng năm.
• Nếu nông nghiệp, đặc biệt là lúa và các nông sản khác bị
giảm sút sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh và ưu thế so sánh với các nước
khác.
• Cội nguồn văn hoá Việt Nam là từ nông nghiệp, cũng chính
nông nghiệp, nông thôn là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ giá trị, bản sắc văn
hoá của dân tộc, do vậy mà một khi cái nôi sinh ra nó bị thu hẹp lại,
biến mất đi thì cái “hồn” đó cũng khó lòng mà tồn tại.
• Sản xuất nông nghiệp trở thành một thói quen, tập tục và
tâm lý ngàn đời đối với một đất nước mà đại đa số người dân làm nông
nghiệp, do vậy sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp không
phải là một tiến trình dễ dàng, sẽ có rất nhiều người không thích nghi
được, vả lại nếu tổ chức xã hội không tốt sẽ không dung nạp hết lao động
nông nghiệp dôi dư, sẽ nảy sinh ra nhiều hệ quả. |
Tiến trình bành trướng đô thị đang diễn ra với quy mô
ngày càng lớn, tốc độ ngày càng nhanh. Nếu có điều kiện đọc tất cả các
nghị quyết của các tỉnh thành thì tôi tin chắc rằng 100% đều phấn đấu
gia tăng diện tích và dân số đô thị cho những năm tới. Đến năm 2025 Hà
Nội sẽ có dân số là hơn 10 triệu, TP.HCM là 12 triệu, Đà Nẵng 1,5 triệu,
Cần Thơ 1,8 triệu… Tất cả các thành phố, thị xã của đồng bằng sông Cửu
Long đều trong xu hướng tiến nhanh đến xã hội đô thị. Chẳng hạn, thị xã
Bến Tre mới lên thành phố loại ba cách nay chừng một năm nhưng nay đã có
kế hoạch nâng cấp lên loại hai, tăng dân số từ 143.000 người hôm nay
lên 300.000 người, và diện tích lên gấp đôi vào 2020. Một số người có
trách nhiệm mong muốn mức độ đô thị hoá của Việt Nam sẽ lên đến 70 – 80%
vào cuối thế kỷ 21 này. Nhiều người cho rằng đô thị hoá là quá trình làm mất
“tam nông”, chuyển từ người nông dân sang thị dân, từ làng xã nông
nghiệp sang thành phố, làm gia tăng số lượng thành phố trong quốc gia,
làm gia tăng dân số và diện tích ở một thành phố… Đó là đô thị hoá theo
chiều rộng, thiên về quy mô và tổ chức vật chất. Hiểu như thế không sai,
nhưng chưa đủ và có phần bị méo mó. Chúng ta phải “tư duy lại”. Đô thị hoá không chỉ duy
nhất là bành trướng tổ chức vật chất và con người mà còn là “quá trình
chuyển những giá trị ưu việt và ảnh hưởng tích cực của đô thị tới những
vùng nông thôn”. Điều đó có nghĩa là những vùng “tam nông” vẫn được bảo
tồn, nhưng nó có sự thay đổi về chất nhờ có “văn minh đô thị” chuyển về.
Lúc này người nông dân vẫn làm nông nghiệp nhưng là nông nghiệp mới
hiện đại. Các thành tựu mới của khoa học kỹ thuật trong sinh học, tin
học, cơ khí, điện khí hoá, tự động hoá được đưa vào trong sản xuất làm
tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị đất.
Còn người nông dân được thụ hưởng các dịch vụ của đô thị như nước sạch,
điện, y tế, giáo dục, truyền thông, bảo hiểm y tế. Môi trường sống nông
thôn có đầy đủ hạ tầng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương tự như đô thị. Và
còn hơn thế nữa họ sống trong môi trường tự nhiên trong lành được bảo
tồn gần như nguyên vẹn và trong môi trường xã hội thân thiện, tình nghĩa
cộng đồng. Một đời sống như thế có chất lượng cao hơn cả đô thị chen
chúc, khói bụi, đắt đỏ và ngột ngạt. Mô hình kết hợp cùng lúc cả hai chiều kích của đô thị
hoá đã rất thành công ở Đài Loan, và một số tỉnh thành của Trung Quốc.
Hình ảnh người nông dân Đài Loan đi xe hơi ra đồng ruộng, sống đàng
hoàng trong những thị trấn làng đã cho thấy một hướng đô thị hoá không
quá chú trọng đến mặt tổ chức vật chất không gian.
Theo TS Nguyễn Minh Hoà Nguồn SGTT
|