Tuy nhiên, những bất cập chưa phải đã
hết bởi cho dù nguồn cung không thiếu, giá không còn “sốt” nhưng hạt lúa
làm ra vẫn phải “cõng” trên mình tới 50% chi phí phân bón và thuốc bảo
vệ thực vật.
Cung cầu đã cân bằng
Tổng
Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) Nguyễn Hạc Thúy cho biết với nhu
cầu phân đạm urê cho sản xuất nông nghiệp chỉ ở mức 1,9 triệu tấn/năm
trong khi công suất thiết kế của bốn nhà máy sản xuất phân đạm trong
nước lên tới 2,34 triệu tấn, trong đó, hai nhà máy của Tập đoàn Hóa
chất Việt Nam (Vinachem) là đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc có công suất
lần lượt 560.000 tấn/năm và 180.000 tấn/năm; hai nhà máy của Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam (PVN) là đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau có công suất đều là 800.000 tấn/năm.
Vì
vậy, mặc dù Nhà máy đạm Ninh Bình đang gặp sự cố phải ngừng sản xuất từ
giữa tháng Ba nhưng nguồn cung phân đạm urê cũng không hề thiếu do vẫn
còn chân hàng dự trữ tại các nhà máy sản xuất cũng như nguồn hàng phân
bón nhập khẩu là 70.000 tấn trong quý I.
Theo Tổng Giám đốc Cao
Hoài Dương - Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ),
những niên vụ trước đây, do Việt Nam chưa chủ động được sản xuất phân
bón mà phải lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên giá phân đạm thường “sốt”
đột ngột; trong đó, “giá đầu vụ có thể chỉ là 9.000 đồng/kg nhưng chỉ
cần sau 2 tuần vào cao điểm vụ, giá phân bón đã có thể vọt lên
11.000-12.000 đồng/kg mà vẫn khan hàng.”
Tuy nhiên, kể từ khi Đạm Phú Mỹ được Nhà máy Đạm Cà Mau, nhà máy sản xuất đạm thứ hai của PVN,
công suất 800.000 tấn/năm đi vào hoạt động, cùng chia sẻ trách nhiệm
bảo đảm phân bón cho sản xuất nông nghiệp, hai nhà máy của PVN đã đáp
ứng được 70% nhu cầu thị trường nên chẳng đại lý nào dám “găm hàng” chờ
“đẩy giá" như trước đây khi cung cầu bão hòa.
Theo đó, suốt 3-4
tháng nay, giá đạm Phú Mỹ (bán trả tiền ngay) ở các đại lý cấp I
của Tổng Công ty chỉ dao động với biên 10%, mức giá từ 9.000-10.000
đồng/kg (tùy từng địa phương).
Đặc biệt, hàng phân bón nhập khẩu
tiểu ngạch “từng một thời làm mưa làm gió” thì nay chỉ còn “khe hẹp” để
len chân vào thị trường trong thời điểm cực ngắn như dịp tết Nguyên đán
vừa qua, nhu cầu phân bón ở thị trường miền Bắc tăng mạnh do vào vụ
sớm hơn thông lệ trong khi đạm Ninh Bình chưa sản xuất, còn đạm Phú
Mỹ chưa kịp ra Bắc vì tàu bè nghỉ vận chuyển.
Ông Dương cũng cho biết nếu đạm Ninh Bình sản xuất hết công suất thì cả năm nay, cung sẽ vượt cầu tối đa là 200.000 tấn.
Trong
trường hợp tiêu thụ trong nước khó khăn, Đạm Phú Mỹ, do có sự chuẩn bị
để đối mặt với tình hình cung vượt cầu từ rất sớm, cũng có thể được xuất
khẩu. Tuy nhiên, khả năng này không cao vì nhu cầu Đạm Phú Mỹ ở trong
nước là rất lớn.
Vẫn còn những bất cập
Theo
FAV, giá đạm urê bình quân trên thị trường hiện nay đang dao động từ
mức 9.200-9.590 đồng/kg, trong đó đạm Phú Mỹ có giá cao nhất, tiếp đến
là đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc với mức giá xung quanh 9.300
đồng/kg, thấp nhất là đạm Hoa Anh (Trung Quốc) với mức giá 9.200 đồng/kg
dù phải chịu 5% thuế VAT và chi phí vận chuyển.
Trong quý I vừa
qua, kim ngạch nhập khẩu đạm Trung Quốc chỉ là 70.000 tấn, giảm 60.000
tấn so với cùng kỳ 2012. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế bởi mục
tiêu thay thế dần hàng nhập khẩu đang trở thành hiện thực và mục tiêu
cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã phát huy hiệu quả.
Tuy
nhiên, bất cập trên thị trường phân bón cũng chưa phải đã hết. Thực tế
cho thấy với một loạt các lợi thế như được Nhà nước đầu tư về vốn và
công nghệ, được ưu tiên đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào với giá
bán thậm chí thấp hơn các hộ sản xuất công nghiệp khác như ximăng, điện,
giấy nhưng hầu hết các loại phân urê trong nước sản xuất lại có giá bán
bình quân cao hơn giá đạm nhập khẩu với các chi phí thương mại phát
sinh.
Lý giải xung quanh vấn đề này, ông Cao Hoài Dương cho biết
thị trường phân bón trong nước đã liên thông với thị trường thế giới nên
nếu bán thấp hơn giá thế giới, ngay lập tức các doanh nghiệp
thương mại sẽ gom hàng tạo “sốt ảo” trên thị trường để trục lợi hoặc
xuất khẩu hết ra nước ngoài để hưởng chênh lệch. Khi đó, nông dân vẫn là
người chịu thiệt hại nhiều nhất bởi vừa không mua được phân đạm với giá
thấp mà còn phải chịu cảnh giá đạm “lên chóng mặt” khi khan hàng.
Cũng
theo ông Dương, thị trường nhiên liệu khí không giống như thị
trường dầu thô bởi giá dầu thô được xác định theo mặt bằng toàn
thế giới, còn giá khí tại các khu vực rất khác nhau.
Ở Trung
Đông, giá khí chỉ khoảng 2-3 USD/triệu BTU (đơn vị đo nhiệt năng lượng).
Trong khi đó, hiện giá khí của Đạm Phú Mỹ mua của các đối tác đã lên
tới 6,7 USD/triệu BTU (giá khí bán cho phát điện là 3,7 USD/triệu
BTU), ngang với giá khí bán cho sản xuất đạm ở các nước trong
khu vực ASEAN như Indonesia, Philippines.
Phải hài hòa lợi ích
Theo
các chuyên gia kinh tế, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang là khoản
chi phí lớn nhất, chiếm hơn 50% giá thành sản xuất lúa ở đồng bằng Sông
Cửu Long hiện nay.
Hơn thế, sản xuất lúa cũng luôn phải đối mặt
với nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh cũng như rủi ro về thị trường
theo kiểu “được mùa mất giá” nên cho dù “một nắng hai sương” làm ra hạt
thóc nhưng đời sống người trồng lúa vẫn bấp bênh.
Trong khi đó,
hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón hiện nay đều là các doanh
nghiệp có lợi nhuận rất cao. Trong khi đó, Nhà nước với ngân sách không
mấy dư dả lại luôn phải xuất tiền hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ
thực vật cho nông dân các vùng trồng lúa bị thiên tai dịch bệnh tàn phá.
Vì
vậy, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần sớm tính toán, công bố minh
bạch cơ cấu giá thành sản xuất phân bón (như cơ cấu giá xăng dầu). Trên
cơ sở đó, có chính sách điều tiết phù hợp các nguồn thu từ doanh nghiệp
sản xuất phân bón để hình thành quỹ hỗ trợ trực tiếp nông dân trong việc
đào tạo, nâng cao kiến thức sản xuất lúa hàng hóa, hỗ trợ về thị trường
tiêu thụ, chính sách bình ổn giá lúa hoặc hỗ trợ các hoạt động an sinh
xã hội ở nông thôn.
Việc tính toán điều tiết này là cần thiết để
vừa đảm bảo mục tiêu cân đối cung cầu phân bón trong nước cho sản xuất
nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; vừa đảm bảo
hài hòa lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp-nông dân.
Cục trưởng
Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Phùng Hà cho rằng theo cơ chế thị trường,
nếu giá phân bón nhập khẩu thấp hơn giá phân bón sản xuất trong nước thì
nông dân sẽ dần chuyển sang sử dụng phân bón giá rẻ hơn.
Trong
trường hợp như hiện nay, nông dân thấy đạm trong nước sản xuất cao hơn
nhưng vẫn ưu tiên lựa chọn thì phải kiểm định cả chất lượng phân bón
ngoại nhập và phân bón sản xuất trong nước. Vì vậy, với tư cách là cơ
quan quản lý nhà nước, Cục Hóa chất cần thêm thời gian để thu thập các
thông tin chính thống từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để có
các đề xuất cụ thể.
Về phía FAV, Tổng Thư ký Nguyễn Hạc Thúy cho
biết FAV được giao nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng
để phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém
chất lượng, nắm tình hình thị trường, kiến nghị các cơ quan chức năng
những giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu phân bón cho năm 2013.
Vì
vậy, dự kiến tháng Sáu tới, FAV sẽ chủ trì phối hơp với Cục quản lý giá
(Bộ Tài chính), Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh
phân bón tổ chức hội nghị phân bón toàn quốc để đưa ra các giải pháp,
kiến nghị hợp lý lên Chính phủ nhằm quản lý tốt hơn thị trường phân bón,
nhất là giá cả và chất lượng phân bón trên cơ sở hài hòa lợi ích các
bên./.Nguồn:
Vietnamplus.vn
|