Sức máy thay sức người
Để hình thành vùng lúa hàng hóa chất
lượng cao, đưa giá trị SX tăng lên từ 1,2- 1,3 lần so với SX đại trà,
góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã quy
hoạch các xã Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Vân, Khánh Hội, Khánh Mậu và
Khánh Thủy triển khai xây dựng CĐML (trong đó có 3 xã điểm của chương
trình NTM giai đoạn 2011-2015).
Đây là các xã có cánh đồng lớn, từ 100
ha trở lên và có điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác và trình độ
thâm canh khá. Trong những năm qua, người dân đã dần làm quen SX các
giống lúa chất lượng cao như LT2, Bắc Thơm 7, QR1… rất thích hợp để thực
hiện SX hàng hóa. Do vậy, vụ xuân và vụ mùa vừa qua Sở NN-PTNT cùng
UBND huyện Yên Khánh vận động bà con tổ chức gieo cấy đồng trà giống QR1
theo phương thức gieo sạ.
Người dân tham gia dự án được hỗ trợ
giống lúa, phân bón, thuốc trừ cỏ và máy gặt đập liên hợp với định mức
75 triệu đồng/chiếc/xã. Song song với quá trình tổ chức thực hiện dự án,
Sở NN-PTNT cũng nỗ lực kết nối với các DN để đảm bảo cung ứng giống và
bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trong đó Tổng Cty Lương thực miền Bắc đã
ký hợp đồng thu mua sản phẩm, Cty TNHH Hoàng Gia cung ứng phân bón Neb
26, Cty TNHH VTNN Hồng Quang cung ứng giống lúa chất lượng cao.
Nhờ chính sách đãi ngộ hợp lý cộng
thêm công tác tổ chức tuyên truyền vận động tốt nên chương trình nhận
được sự đồng tình ủng hộ từ phía nhân dân. 100% diện tích trong vùng dự
án được các HTXNN tổ chức làm đất bằng máy, đảm bảo thời vụ và chất
lượng, 100% các hộ tham gia sử dụng phân bón Neb 26 thay thế cho 50%
lượng đạm urê, hạn chế được sâu bệnh và ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt do gieo cấy đồng trà nên thời
gian thu hoạch của lúa tập trung, là điều kiện để đưa cơ giới hóa vào
khâu thu hoạch. Hiện đã có 29 máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch
lúa trong vùng dự án giúp thu hoạch khoảng 55% diện tích. Ông Nguyễn
Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Cư cho biết, qua hai vụ triển khai
CĐML, nhân dân trong xã thấy hiệu quả rõ rệt. Thứ nhất, việc gieo cấy
đồng trà đã giúp cho công tác phòng trừ sâu bệnh tốt, tập trung hơn.
Công diệt cỏ cũng giảm hẳn, 1 người trong 1 buổi chiều có thể làm được
5-6 sào ruộng; về công tác thủy lợi việc điều tiết nước cũng dễ dàng.
Lợi nhất là khi thu hoạch, máy móc
hoạt động thay sức người nên giảm thiểu chi phí. Nếu làm thủ công thì
một sào ruộng phải mất 1 công tương đương với 200.000 đồng, ngoài ra còn
mất thêm 2 công lao động để tuốt, sấy nhưng đưa máy móc vào thì chỉ mất
110.000 đồng/sào. Tối thiểu phải giảm được ½ công lao động.
Năng suất, quy mô tăng
Từ kết quả đó, vụ
mùa năm 2012, huyện Yên Khánh đã mở rộng diện tích CĐML, quy mô 40-50
ha trở lên và đã có thêm 7 xã tham gia với diện tích mở rộng thêm là 700
ha, nâng tổng diện tích CĐML của tỉnh là 1.400 ha.
|
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, năng
suất thực thu trong vùng dự án ở vụ xuân đạt từ 230-260 kg/sào, tương
đương 64-68 tạ/ha, cao hơn so với SX đại trà khoảng 10%. Thêm vào đó,
do SX theo cùng giống, cùng trà và cùng điều kiện chăm sóc nên sản phẩm
lúa trong vùng dự án có độ đồng đều cao, chất lượng đảm bảo. Vụ xuân vừa
qua, TCty Lương thực miền Bắc đã thu mua trên 100 tấn lúa thương phẩm
QR1 với giá 7.100 đồng/kg.
Như vậy, đối với các hộ tham gia dự
án CĐML chi phí SX sẽ giảm từ 2,7-3 triệu đồng/ha và cho thu nhập cao
hơn so với SX đại trà từ 4,6-5,5 triệu đồng/ha. Cũng theo ông Trường thì
thời gian đầu vận động nhân dân tham gia dự án gặp nhiều khó khăn vì tư
tưởng làm ăn nhỏ lẻ đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của bà con nên
việc áp dụng gieo cấy cùng một giống lúa, cùng thời điểm chăm sóc, phòng
trừ sâu bệnh là chuyện ít người nghĩ đến chứ đừng nói đến sự tin tưởng.
Để thuyết phục, ngoài tuyên truyền
hàng loạt chính sách hỗ trợ của nhà nước, thậm chí cán bộ xã còn phải bỏ
tiền ra mua lại giống cũ của dân. Vậy nhưng, chỉ sau vụ xuân, lập tức
nhân dân nhìn thấy cái lợi nên vào vụ mùa cả 600 hộ tham gia dự án đều
răm rắp vận hành theo chương trình, không ai phải bảo ai.
Theo:nongnghiep.vn
|